/

‘The Lobster’ – Một thế giới giả tưởng tàn khốc và bạo liệt

Bắt đầu
12 phút đọc

‘The Lobster’ – Một thế giới giả tưởng tàn khốc và bạo liệt

Phần là câu chuyện giả tưởng về hai thế giới đối lập đầy những xung khắc, phần là câu chuyện tình yêu của hai tâm hồn cô đơn lạc giữa hai thế giới ấy, The Lobster gây ấn tượng bởi ý tưởng kịch bản xuất sắc được kể bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh vừa độc đáo vừa lãng mạn…

Trong vòng 30 phút đầu của The Lobster – bộ phim avant-garde nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos (Dog Tooth), phần lớn khán giả sẽ không thể đoán được nội dung câu chuyện mà mình đang xem. Cảnh quay đầu tiên theo sát một người phụ nữ đang lái ô tô giữa trời mưa. Ánh mắt dáo dác xen lẫn vội vã, bà đột ngột dừng lại trước một cánh đồng hoang, không một bóng người, chỉ loáng thoáng có hai ba chú lừa đen đang gặm cỏ. Ống kính vẫn được đặt cố định trong xe ô tô, từ quay cận mặt người phụ nữ dần chuyển về phía cửa trước, khi bà bước ra khỏi xe, súng cầm trên tay, từ từ tiến lại gần đám lừa. Không cần đến một giây để suy nghĩ, người phụ nữ ấy giơ cao súng bắn nhiều phát vào một con lừa, để chắc chắn rằng nó sẽ phải chết, sau đó quay trở về xe của mình.

Thực tế, đoạn mở màn ấn tượng ấy không có nhiều liên kết với những gì diễn ra sau đó. Bộ phim tiếp nối khi nhân vật chính, kiến trúc sư David (Colin Farrell), được chuyển từ thành phố đến một khách sạn ven biển – nơi được mô tả như một phiên bản khác của nhà tù trong tương lai. Vợ của David vừa bỏ đi theo tình mới, sự việc khiến anh trở thành một kẻ độc thân, nên người ta đưa anh đến đây để thử thách. Nhiệm vụ của David là phải tìm được bạn đời trong vòng 45 ngày, từ một trong số những người “như anh” ở khách sạn, nếu không sẽ bị biến thành một con thú bất kỳ. “Một con tôm hùm” – đúng như tên gọi của bộ phim, chính xác là sự lựa chọn của David, bởi theo anh, tôm hùm có thể sống trên một trăm tuổi.

Có lẽ người đàn ông ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự cô độc của riêng mình. Gương mặt lầm lũi của David hầu như không bao giờ thể hiện cảm xúc, dù vui hay buồn. Cuộc hôn nhân dài 12 năm trước đó không đem lại cho anh hạnh phúc. Anh không khóc khi mất vợ, bởi không biết được đó là điều người ta thường làm. Hàng ngày anh lủi thủi trong căn phòng, bên cạnh người bạn thân là một chú chó – mà theo David vốn là anh trai của anh, người từng đến khách sạn này và bị hóa thú. Bên ngoài cửa sổ, người ta chất đầy xác của những kẻ cô đơn. Đó cũng là chiếc “phao cứu sinh” cho kiếp người của David. Mỗi “tù nhân” trong khách sạn được trang bị một khẩu súng, rồi tất cả được chở vào rừng, nơi trú ngụ của những kẻ cô đơn. Họ càng “săn” được nhiều người, thì càng kéo dài thời gian được ở lại khách sạn. “Một mạng thì thêm một ngày, hai mạng thì thêm hai ngày.”

Cần biết, Yorgos Lanthimos được xem là một trong những gương mặt quan trọng của nền điện ảnh Hy Lạp đương đại. Những bộ phim trước đó của ông đều kỳ lạ và khó tiếp cận. Dogtooth (2009) – đề cử Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất – xoay quanh một gia đình sống cô lập với xã hội, với ba người con dù đã trưởng thành vẫn bị bố mẹ nhốt trong nhà. Alps (2010) kể về một nhóm người làm việc trị liệu tâm lý bằng cách đóng vai những người đã chết để an ủi thân nhân của họ. Thế giới trong phim của Lanthimos luôn chứa đứng những nhân vật có tính cách lập dị, đứt kết nối với xã hội và tràn đầy khao khát được thấu hiểu. Có thể thấy rằng những yếu tố đó vẫn được giữ nguyên trong The Lobster, nhưng Lanthimos cùng biên kịch lâu năm của mình là Efthimis Filippou tham vọng thực hiện một điều gì đó to lớn hơn trước.

Trong The Lobster, Yorgos Lanthimos đã tạo ra không chỉ một mà đến hai thế giới song song. Toàn bộ nội dung câu chuyện được thuật lại qua giọng kể (voice-over) của Rachel Weisz, trong vai Short Sighted Woman (người phụ nữ cận thị) – nhân vật mà chỉ thực sự xuất hiện sau khi bộ phim đã đi hết một nửa chặng đường, vốn là một trong số những kẻ cô đơn. Cuộc sống ở trong rừng là một bức tranh hoàn toàn trái ngược với viễn cảnh đang diễn ra nơi khách sạn. Những kẻ cô đơn sống cuộc đời chui lủi giữa rừng cây, hàng ngày săn bắn hái lượm và phải tự học cách tồn tại trước sự truy lùng của những người sống trong khách sạn. Họ thậm chí tự đào sẵn cho mồ chôn cho chính mình, để phòng trừ trường hợp bất trắc. Đáp lại, “bạn có thể làm một kẻ cô độc cho đến suốt đời, không giới hạn về thời gian.”

Đặt bối cảnh trong tương lai không xa, xã hội mà Lanthimos nói đến thực sự là một “thế giới tàn bạo” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nơi mà sự cô độc trở thành một tội ác. Sự tàn bạo của bộ phim thể hiện ở chỗ, để triệt tiêu tội ác ấy, chính con người lại dung dưỡng cho cái ác. Các nhân vật trong phim phải vật lộn tìm cách loại trừ lẫn nhau để tồn tại. Những người trong khách sạn buộc phải trở thành thợ săn bất đắc dĩ, mà con mồi chính là đồng loại của mình. Ở chiến tuyến bên kia, những kẻ cô độc cũng mong muốn phá vỡ cuộc sống quy tắc trong khách sạn, hòng có được sự tự do của riêng mình. Song, dù sống huy hoàng trong khách sạn hay vất vưởng giữa rừng, thì tất cả đều không có được tình yêu. Những người ở khách sạn không có khái niệm tình yêu, họ không biết yêu nên hàng ngày phải nghe những bài giảng kệch cỡm và đậm tính sân khấu về cuộc sống đôi lứa. Những kẻ cô đơn thì tất nhiên không được phép yêu thương, bởi lẽ khi yêu rồi thì họ đâu còn cô đơn nữa!

Như thường lệ, Yorgos Lanthimos xử lý câu chuyện của mình bằng một giọng kể lạnh tanh, pha trộn một chút black comedy (hài hước đen) nhưng chủ yếu là trong các tình huống được đặt ra. Chẳng hạn, những người trong khách sạn bị buộc một tay vào sau lưng để biết rằng hai thì luôn tốt hơn một. Ngoại trừ David, tất cả các nhân vật đều không được đặt tên cụ thể. Lanthimos gán cho họ những biệt danh vừa khôi hài vừa chua chát: Biscuit Woman (người đàn bà bánh quy), Limping Man (người đàn ông khập khiễng), Heartless Woman (người đàn bà vô tâm),… ứng với đặc điểm hay tính cách của họ. Có một quy tắc được đặt ra, là những người yêu nhau phải có chung một đặc điểm nào đó. Vậy mới có chuyện “chàng khập khiễng” giả vờ yêu “nàng chảy máu cam” bằng cách đập mũi vào tường mỗi ngày.

Bên cạnh những yếu tố kỳ lạ, khác biệt làm nên sự độc đáo mới mẻ cho The Lobster, thì sự xuất hiện của Colin Farrell trong vai David cũng là một bất ngờ. Thời gian gần đây, Farrell đã cố gắng thay đổi hình ảnh bằng cách lựa chọn những vai diễn đầy thử thách, từ dự án phim độc lập kinh phí thấp (Triage), cho đến thể loại hài (Horrible Bosses), kinh dị (Fright Night),… nhưng chưa có vai diễn nào thực sự đủ sức bật như vai David. Nam tài tử Hollywood trở thành một quý ông trung niên bụng phệ, gương mặt luôn ũ rũ buồn bã, giọng nói uể oải chậm rãi nhưng chứa đựng một điều gì đó rất đỗi chân thành. Đóng cặp với anh là một Rachel Weisz tuy xuất hiện không nhiều nhưng duyên dáng và đầy xúc cảm từ diễn xuất cho đến giọng nói. Đây là vai diễn đáng nhớ nhất của nữ diễn viên Anh quốc kể từ khi đoạt giải Oscar với The Constant Gardener.

Cuối cùng, The Lobster tách biệt với những tác phẩm trước đó của Yorgos Lanthimos, không chỉ vì đây là bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của ông, được làm việc cùng một dàn diễn viên quốc tế; mà còn bởi câu chuyện trong phim rất “người”. Trái ngược với những sắp đặt phức tạp và đầy ẩn ý trong nửa đầu phim, thì nửa sau bộ phim lại gần gũi và mang tính nhân văn khi tập trung khai thác vào mối quan hệ giữa hai nhân vật chính. Sự lãng mạn ở nửa sau bộ phim có thể sẽ làm phật lòng những ai đam mê nửa trước, nhưng cho thấy chủ định của đạo diễn trong việc thay đổi hướng đi. Sau khi tạo nên những thế giới rất đỗi khác thường trong Dogtooth và Alps, Yorgos Lanthimos quay trở về với một chủ đề hết sức quen thuộc: tình yêu. Có lẽ, thế giới dù có tàn bạo đến đâu, cũng không thể tồn tại nếu thiếu vắng tình yêu.


Đánh giá: **** (4/5)


Tham khảo:
– The Killing Of A Sacred Deer – Yorogs Lanthimos (2017)

YouTube player

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Đà Lạt Cinematic: Bốn giờ sáng và ngắm bình minh

Tiếp theo

Hội An một ngày – One day in Faifo

Latest from Điện ảnh