'Burning' của Lee Chang Dong - Một thế hệ trẻ Hàn Quốc lạc lối
/

‘Burning’ – một thế hệ trẻ Hàn Quốc lạc lối

Bắt đầu
15 phút đọc

Phim Burning là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Hàn Quốc Lee Chang Dong sau gần 8 năm vắng bóng. Đây có thể xem là tác phẩm chuyển thể tiểu thuyết Haruki Murakami gần ở mức hoàn chỉnh nhất, tính đến hiện tại.

*Bài review phim Burning tiết lộ nội dung tác phẩm.


Chuyển thể một tác phẩm của Haruki Murakami lên màn ảnh rộng không phải là chuyện dễ dàng, ngay cả với người từng thắng giải “Kịch bản xuất sắc” tại LHP Cannes 2010 như Lee Chang Dong (với Poetry).

Song, cũng khó có thể phủ định sức hấp dẫn toát ra từ những câu chuyện mang đầy màu sắc kỳ bí của nhà văn đương đại nổi tiếng Nhật Bản. Hai phim dài chuyển thể trước đó – Tony Takitani (2004) và Norwegian Wood (2010) – dù thành công hay thất bại cũng đều là những tác phẩm đáng nhớ đối với công chúng yêu điện ảnh.

Hẳn vì vậy mà Lee Chang Dong đã quyết định chọn một truyện ngắn của Murakami để thực hiện Burning (Thiêu đốt), bộ phim đánh dấu sự trở lại của ông sau gần 8 năm vắng bóng.

Tác phẩm điện ảnh của một nhà văn

Để gói gọn nội dung truyện ngắn Murakami trong vài con chữ, thì: nàng trở về từ Châu Phi, giới thiệu cho anh gã người yêu mới quen ở ngoại quốc. Một hôm khi nàng đã say bí tỉ, gã tâm sự với anh về chuyện đốt nhà kho, việc thi thoảng gã vẫn làm khi có cơ hội. Hàng ngày, anh chạy quanh các nhà kho gần nhà để xem thử có cái nào bị đốt chưa nhưng không hề có.

Barn Burning (Đốt nhà kho) – nhan đề câu truyện như ẩn số không lời giải, ám ảnh cả cuộc đời nhân vật chính cũng như những độc giả yêu mến Murakami hơn 30 năm qua, kể từ lần đầu ra mắt năm 1983.

Phim Burning là sự trở lại của đạo diễn kiêm nhà văn Lee Chang Dong.
Phim Burning là sự trở lại của đạo diễn kiêm nhà văn Lee Chang Dong.

Bản thân cũng là một tiểu thuyết gia, Lee Chang Dong thể hiện sự tôn trọng đồng nghiệp bằng cách trung thành với nguyên tác gần như tuyệt đối.

Khoảng 2/3 thời lượng của bộ phim bám sát những gì mà nhà văn mô tả. Các tình tiết nổi bật trong truyện được giữ nguyên: nữ chính theo học kịch câm, nam chính thích đọc William Faulkner.

Một vài câu thoại “đinh” được bê nguyên si từ văn học vào điện ảnh: “Đừng có nghĩ ở đây có quýt, mà phải quên rằng ở đây không có quýt!”. Thậm chí, âm nhạc của Miles Davis cũng bất ngờ vang lên ở giữa phim, thiết lập một không khí “sặc mùi” Murakami.

Tất nhiên, có một số thay đổi lẫn sáng tạo riêng của Lee Chang Dong (nhà kho được thay bằng nhà kính nhựa cho phù hợp với bối cảnh Hàn Quốc), nhưng không hề đánh mất cái hồn của tác phẩm gốc mà càng khiến cho thế giới quan của Murakami hiện lên sinh động và rõ nét hơn.

Các nhân vật bước ra từ trang sách

Ba nhân vật vô danh trong truyện khi bước lên phim đều được trao cho tên tuổi lẫn số phận rõ ràng. Có điều, Lee Chang Dong cùng đồng biên kịch Oh Jung Mi – cũng là một nữ đạo diễn trẻ – cố tình hoán đổi độ tuổi hai nhân vật nam chính.

Người kể chuyện 31 đã lập gia đình trong sách trở thành Jong-su (Yoo Ah In), một thanh niên trẻ tuổi còn độc thân, và gã người yêu “nửa sau của tuổi đôi mươi” thì trở thành Ben (Steven Yeun), người đàn ông giàu có lớn hơn Jong-su một vài tuổi. Sự hoán đổi có chủ đích này phần nào khiến cho câu truyện dưới góc nhìn của Lee Chang Dong trở nên hợp lý hơn, đồng thời khắc họa rõ nét sự tương phản giữa hai nhân vật cách biệt quá xa nhau về tầng lớp.

Điểm đáng tiếc là nhân vật chính Jong-su được xây dựng một cách hơi quá đà: ngoại hình luộm thuộm, ánh mắt đờ đẫn, đôi môi hững hờ. Jong-su dưới sự thể hiện của Yoo Ah-in – một trong những diễn viên trẻ xuất sắc nhất của điện ảnh Hàn – có một chút biến thái xen lẫn điên loạn của những gã tâm thần thường có mặt trong dòng phim tội phạm Mỹ. Nhân vật này luôn xuất hiện với một dáng vẻ tăm tối so với hai người còn lại trong bộ ba. Thử đi sâu một chút về gia cảnh của gã: mẹ bỏ nhà đi biệt tích hơn mười mấy năm, chị gái được nhắc đến nhưng không bao giờ xuất hiện, bố thì đang vướng phải một vụ kiện tụng vì bạo lực, còn bị người ta gọi là “kẻ điên”. Cái nền ấy được Lee Chang Dong sử dụng như là nguyên nhân cho những bất ổn về mặt tâm lý của Jong-su. Một lời giải thích khá hợp lý nhưng cũ kỹ và thiếu đột phá. Đạo diễn bày biện khá nhiều tình tiết dành cho Jong-su, khiến số phận nhân vật không tránh khỏi những sắp đặt lộ liễu: không sớm cũng chẳng muộn, người mẹ bặt vô âm tín của anh đột ngột trở về thăm con trai, cốt chỉ để xin tiền.

Tạo hình Yoo Ah In trong phim Burning của Lee Chang Dong
Tạo hình Yoo Ah In trong phim Burning của Lee Chang Dong

Trong khi đó, Ben được mô tả hoàn toàn trái ngược: ngoại hình chải chuốt, chạy xe Porsche bóng loáng, sống trong một căn hộ cao cấp ở khu Gangnam đắt đỏ. Phần nào đó, Ben chính là hình ảnh ở thì tương lai mà Jong-su không bao giờ với tới được. “Làm sao mới có thể sống như anh ta ở độ tuổi đó”, Jong-su thốt lên với cô bạn gái. Không chỉ thua thiệt về tuổi tác lẫn gia cảnh, mà kịch bản của Lee Chang Dong luôn cố tình đặt Jong-su ở vị thế thấp kém hơn: trong một cảnh, Jong-su đứng ở dưới lề đường nhìn về phía Ben đang ở trên cao ốc. Nhưng gã không nhìn Ben với sự ngưỡng vọng, mà đó là một cái nhìn đầy nghi hoặc. Một người gần như hoàn hảo về mọi mặt như Ben (đến những chiếc khăn trong tủ cũng được xếp ngay ngắn đúng theo tiêu chuẩn của một khách sạn năm sao) càng khiến ta nghi ngại về những gì hắn ẩn dấu bên trong (giọng cười của hắn còn đáng sợ hơn cả nhạc nền trong phim).

Xung đột giữa Jong-su và Ben không thể nào tồn tại nếu thiếu vắng Hae-mi (Jeon Jong-seo), cô bạn gái học kịch câm thích chơi trò “lột vỏ quýt” ở trong truyện. Nhân vật này chỉ xuất hiện thoáng qua, được xây dựng theo hình mẫu của một femme fatale (người phụ nữ bí ẩn) hơn là một cô gái có câu truyện đầy đặn. Giống như bộ môn kịch câm mà cô đang theo đuổi, Hae-mi đã mất đi tiếng nói nội tâm của mình. Ngay cả vẻ đẹp bề ngoài của cô cũng chẳng còn nguyên bản: “tôi phẫu thuật thẩm mỹ rồi”, cô thú nhận ngay từ đầu phim. Tính cách của Hae-mi chỉ được thuật lại một cách loáng thoáng và thiếu chắc chắn qua lời của những người khác: “Nó hay thích bịa chuyện, nói như thật vậy”, chị gái cô nhận xét.

Nếu xem nhân vật Ben là một chàng đại gia Gatsby kiểu mới (The Great Gatsby), Hae-mi đích thị là hiện thân của nàng Marylou thời hiện đại (On The Road), đầy nổi loạn và lạc lối: sau khi hút cần sa, nàng thản nhiên khỏa thân khiêu vũ giữa trời chiều, trên nền nhạc trầm buồn của Miles Davis.

Nhân vật Hae Mi trong phim Burning là hiện thân nàng Marylou thời hiện đại
Nhân vật Hae Mi trong phim Burning là hiện thân nàng Marylou thời hiện đại

Là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ đạo diễn Hàn Quốc nổi danh từ nửa cuối thập niên 90, Lee Chang Dong đã sớm tạo được tiếng vang dù số lượng phim ít ỏi. Những bộ phim của ông không “sốc não” như của Kim Ki-duk, không duyên dáng như của Hong Sang Soo, lại càng không bạo lực như của Park Chan Wook. Nhưng ở Lee Chang Dong lại có một chút cực đoan, phần nào tương đồng với Kim Ki-duk: ông chẳng chừa cho các nhân vật của mình một lối thoát. Trong “vũ trụ điện ảnh” của đạo diễn họ Lee, các nhân vật luôn bị đặt vào những tình huống đầy tuyệt vọng, để rồi họ phải tự vấn đức tin của mình: người bà bất lực nhìn cảnh sát đưa cháu mình đi (Poetry), người mẹ vô vọng tìm kiếm đứa con trai bị mất tích (Secret Sunshine) và những người tình mãi mãi mắc kẹt trong “ốc đảo” của riêng mình (Oasis). Tương tự, ta thấy nhân vật Jong-su của Burning cứ luẩn quẩn trong nỗi ám ảnh về những ngọn lửa mà mình tạo ra. Chàng trai trẻ ôm mộng làm tiểu thuyết gia ấy gần như hoàn toàn tách biệt với xã hội mà anh đang sống, hàng ngày như con tằm ẩn mình trong “tổ kén” nội tâm không một ai chia sẻ.

Một thế hệ trẻ Hàn Quốc lạc lối

Đáng ngạc nhiên, bộ ba Jong-su, Ben và Hae-mi theo Lee Chang Dong chính là đại diện của thế hệ trẻ Hàn Quốc đương đại. “Tôi muốn kể một câu chuyện về những người trẻ của thế hệ này”, ông chia sẻ. Dưới nhãn quan của vị đạo diễn xứ Hàn, thế hệ ấy chẳng khác gì “thế hệ đã mất” của F. Scott Fitzgerald hay “thế hệ beat” của Jack Kerouac dù cách biệt tận mấy thập kỷ. Có lẽ vì vậy mà ranh giới về mặt thời gian trong phim gần như đã bị xóa nhòa. Bộ phim được đặt bối cảnh ở thì hiện tại (trên phố nhan nhản áp phích quảng cáo dòng điện thoại G6 đời mới của hãng LG) nhưng được quay bởi công nghệ film 70mm, tạo cảm giác bùi ngùi hoài cổ, chẳng khác gì đang xem những bộ phim của thập niên cũ. Có lẽ, con người dù ở thế hệ nào thì cũng phải đối mặt với nỗi cô đơn. Nhưng phải chăng con người càng hiện đại thì lại càng cô đơn?

Phim Burning của Lee Chang Dong gợi nhớ A Brighter Summer Day của Dương Đức Xương
Phim Burning của Lee Chang Dong gợi nhớ A Brighter Summer Day của Dương Đức Xương

Gần hơn một chút, xem Burning khiến ta không khỏi nhớ đến một tuyệt tác khác của đạo diễn trứ danh xứ Đài Bắc Dương Đức Xương: A Brighter Summer Day (1991). Ngay cả cấu trúc nền của hai tác phẩm này cũng có điểm tương đồng: từ một drama (phim chính kịch) về thế hệ lạc lối dần chuyển hướng sang một câu chuyện có hơi hướm tội phạm (crime). Điểm khác nhau giữa hai bộ phim, tất nhiên là phong cách làm phim độc đáo riêng biệt. Có thể xem Burning như là một hình mẫu tuyệt vời cho phong cách làm phim “slow burn” (đun chậm). Lee Chang Dong xử lý câu chuyện bằng một một nhịp điệu chậm rãi, từ tốn xuyên suốt thời lượng hai tiếng rưỡi đồng hồ (148 phút), khéo léo kết hợp những yếu tố neo-noir (phim đen kiểu mới) xen lẫn rùng rợn (thriller), kỳ bí (mystery) để tránh sự nhàm chán. Ngay cả khi bộ phim đi đến cao trào, đạo diễn vẫn kiên quyết giữ “lò lửa” của mình ở một nhiệt độ hoàn toàn cố định, thay vì để cho nó bùng cháy mạnh mẽ.

Quyết định có của Lee Chang Dong có lẽ sẽ khiến những khán giả kiên nhẫn chờ đợi kịch tính trong phim phải thất vọng. Khoảnh khắc khi Jong-su bước chân vào thánh đường, cũng là lúc ta thực sự rời bỏ những trang sách của Murakami để bước vào thế giới của Lee Chang Dong với những hoài nghi về lòng tin: đâu là thật, đâu là ảo? 1/3 sáng tạo còn lại của bộ phim chính là câu trả lời mà đạo diễn Lee muốn dành cho dấu chấm hỏi nhà văn đặt ra. Nhưng khi đạo diễn cố gắng giải quyết bí ẩn, vốn là điểm tạo nên thành công của câu truyện, cũng là lúc ông tự đưa mình đi vào thất bại. Một thất bại mà có lẽ chính ông, lẫn những người dũng cảm chuyển thể tiểu thuyết Murakami, đã dự cảm được trước khi bắt tay vào thực hiện bộ phim.


Đánh giá: *** (3/5)


Thông tin:
  • Phim Burning của Lee Chang Dong tham gia tranh giải tại LHP Cannes 2018.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘On the Beach at Night Alone’ – Nỗi buồn của kẻ thứ ba

Tiếp theo

‘So Sad So Sexy’ – Cú lội ngược về dòng chính của Lykke Li

Latest from Điện ảnh