‘The Aviator’ – Hành trình trưởng thành của một nhà tài phiệt
‘The Aviator’ – Hành trình trưởng thành của một nhà tài phiệt
/

‘The Aviator’ – Hành trình trưởng thành của một nhà tài phiệt

Bắt đầu
13 phút đọc

The Aviator của Martin Scorsese kể lại một phần cuộc đời của nhà tài phiệt Howard Hughes. Đó là hành trình trưởng thành của một người đàn ông bình thường để trở thành vĩ nhân.


Một người phải đi qua bao con đường, để được gọi là đàn ông? (*)

Con đường của nhà tài phiệt Howard Hughes trong The Aviator đã được định sẵn ngay từ khi ông còn là một cậu bé, mạnh dạn tuyên bố với mẹ: “Khi lớn, con sẽ lái chiếc máy bay nhanh nhất từng có, làm ra những bộ phim hoàng tráng nhất từng có, và trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới.”

Đến năm mười tám tuổi, Hughes mồ côi cả cha lẫn mẹ, trở thành triệu phú nhờ gia tài được thừa hưởng và bắt đầu chinh phục ước mơ của mình. Quãng đường đó, kéo dài từ năm 1927 đến tận cuối 1947, được Martin Scorsese tái hiện một cách cay nghiệt trong The Aviator, cho thấy cái giá để trở thành một người đàn ông, với Hughes là không hề nhỏ.

The Aviator – Đỉnh cao cuộc đời nhà tài phiệt

Biên kịch John Logan, đồng tác giả kịch bản của GladiatorThe Last Samurai, đã rất thông minh khi chọn mốc thời gian của câu chuyện gói gọn trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của Howard Hughes, mở ra “kỷ nguyên vàng” cho Hollywood.

Là một bộ phim tiểu sử, The Aviator không đi vào giải thích lý do Hughes trở thành triệu phú, mà hướng thẳng vào con đường ông đã chọn, cho ta thấy cách ông sử dụng tiền của mình để trở nên giàu có hơn, nổi tiếng hơn và từng bước vươn lên vị trí số một như mong muốn.

Dưới ngòi bút của Logan, Howard Hughes hiện lên như một người đàn ông mang nhiều hoài bão lớn lao và đi theo chủ nghĩa cầu toàn (perfectionism). Bằng niềm đam mê điện ảnh và máy bay từ nhỏ, Hughes dồn hết tâm sức và tiền của vào Hell’s Angels, bộ phim đầu tiên do ông đạo diễn khi mới 22 tuổi, tập trung vào những màn không chiến của Thế Chiến I.

Ở đầu phim, người xem được tận mắt chứng kiến phim trường của Hughes, với hàng loạt những chiếc phi cơ bay lượn chao đảo trên bầu trời – điều mà mọi người cho là bất khả nhưng Hughes vẫn quyết định thực hiện đến cùng. Nhà triệu phú trẻ đã có 24 chiếc máy quay, nhưng vẫn cố công tìm đến chủ nhân của hãng MGM để mượn thêm hai chiếc nữa.

The Aviator của Martin Scorsese kể lại một phần cuộc đời của nhà tài phiệt Howard Hughes.
The Aviator của Martin Scorsese kể lại một phần cuộc đời của nhà tài phiệt Howard Hughes.

Đúng theo phong cách sở trường của mình, Martin Scorsese bắt đầu bi kịch cuộc đời Howard Hughes trong The Aviator bằng những tiếng cười chua chát. Tất nhiên, quý ngài Mayer không tin vào con đường của chàng trai trẻ và quẳng cho cậu một lời khuyên của người đi trước: thay vì ném tiền qua cửa sổ, hãy gửi vào ngân hàng!

Hẳn là chính Mayer nhiều năm sau đó sẽ phải suy nghĩ lại về lời nói của mình, bởi lẽ Hell’s Angels không chỉ được quay thành công mà còn thu về rất nhiều tiền. Bộ phim ngốn mất của Hughes ba năm tuổi trẻ và hàng triệu đô la chỉ vì tính cầu toàn của mình. Thay vì diễn xuất, ông chủ yếu đặt quan tâm vào những vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như độ tích tụ của mây trên trời, hoặc là tốc độ chuyển động của phi cơ.

Cùng với sự xuất hiện của The Jazz Singer – bộ phim điện ảnh đầu tiên có tiếng, Hughes cho quay lại toàn bộ Hell’s Angels với âm thanh để theo kịp thời đại, dù mọi công đoạn đã hoàn thành phân nửa. Thậm chí ngay cả khi phim được công chiếu, ông vẫn chưa hoàn toàn hài lòng mà vẫn tiếp tục cắt sửa cho vừa ý. Kết quả, Hell’s Angels được ca ngợi như là “bộ phim hoành tráng nhất thời đại”, trở thành một trong những bom tấn hành động có tiếng đầu tiên của lịch sử điện ảnh.

Kể chuyện theo quỹ đạo đường bay

Trong thời lượng gần ba tiếng đồng hồ của The Aviator, Martin Scorsese luồn lách câu chuyện của Howard Hughes theo đúng quỹ đạo của một đường bay. Nửa đầu phim, ông đẩy người xem lao như tên đến tận đỉnh cao huy hoàng nhất của nhà triệu phú đa tài; nửa còn lại, ông kéo ta xuống tận đáy sâu vực thẳm cuộc đời Hughes.

Sau khi gặt hái thành công với điện ảnh, Howard Hughes tiếp tục chinh phục lĩnh vực kinh doanh máy bay. Giai đoạn tiếp theo trong đời ông gắn liền với cuộc tình cùng nàng diễn viên xinh đẹp Katharine Hepburn (Kate) và những chiếc phi cơ. Hughes yêu Kate một thì tình cảm ông dành cho máy bay chắc phải đến mười.

Trong một cảnh quay, Hughes lướt từng ngón tay trên chiếc phi cơ bóng loáng, mà tưởng như đang mân mê da thịt phụ nữ. Rồi một ngày Kate bỏ ông ra đi, chỉ còn những chiếc máy bay ở lại. Nhưng may mắn đã không còn mỉm cười với Hughes như trước.

Trong phim có hai lần ông gặp nạn khi tự mình cầm lái kiểm tra phi cơ. Lần đầu tiên khi còn có Kate bên cạnh, Hughes đâm thẳng xuống ruộng cải, vẫn tự hào vì trở thành “người nhanh nhất hành tinh”. Lần thứ hai, ông suýt mất mạng.

Martin Scorsese luồn lách câu chuyện của Howard Hughes theo đúng quỹ đạo của một đường bay.
Martin Scorsese luồn lách câu chuyện của Howard Hughes theo đúng quỹ đạo của một đường bay.

Câu chuyện của Howard Hughes quyến rũ tới mức biết bao tác phẩm phải mượn cảm hứng từ nó. Từ tiểu thuyết Wild Calendar (1945) của Libbie Block, mà sau này được Max Ophüls dựng thành Caught (1949), Hughes quanh quẩn đâu đó trong Melvin and Howard (1980) của Jonathan Demme, Tucker (1988) của Francis Ford Coppola, cho đến Diamonds Are Forever (1971) về chàng điệp viên 007.

Riêng với The Aviator – bộ phim của đời ông, Martin Scorsese lại không phải là lựa chọn đầu tiên. Chỉ khi Michael Mann từ chối ghế đạo diễn để làm nhà sản xuất, Leonardo DiCaprio mới đề nghị vị trí ấy cho ông, đánh dấu lần cộng tác thứ hai của cặp đôi sau Gangs of New York và mối duyên này còn kéo dài hơn một thập kỷ nữa.

Nhân cơ hội này, Scorsese biến The Aviator thành bài ngợi ca dành riêng cho môn nghệ thuật thứ bảy, chính xác hơn là công nghệ làm phim ở Hollywood. Một phần ba bộ phim được sử dụng hiệu ứng màu two-strip Technicolor, đúng với cách Hughes từng quay một vài đoạn trong Hell’s Angels.

Rồi từ two-strip, ông nhảy sang three-strip, mượt mà đến nỗi ta không kịp nhận ra Hollywood vừa tiến một bước rất xa. Những thước phim của Scorsese lộn nhào giữa ánh dương rực rỡ nơi kinh đô điện ảnh, cho đến bóng tối lạnh lẽo từ góc khuất một trại tâm thần. Một mặt, ông phô bày tất cả nhãn quan độc đáo của Hughes; mặt khác, ông cho ta thấy, ẩn sau bộ óc kỳ tài là một tâm hồn đầy bất ổn.

Địch thủ lớn nhất là bản thân

Nhiều tiền, nhiều tình và rất nhiều máy bay, nhưng trong suốt cuộc đời Howard Hughes lại không có nhiều đối thủ. Kẻ địch lớn nhất của Hughes, đáng tiếc lại chính là ông. Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế như áng mây đen phủ vây cuộc đời Huges, che khuất vầng hào quang mà ông có được.

Số phận đó đã được dự báo ngay từ cảnh quay mở màn của phim. Giữa căn phòng chập choạng bóng tối, cậu bé Howard trần trụi trong bồn tắm, môi lắp bắp theo lời mẹ. “Q-u-a-r-a-n-t-i-n-e” (cách ly), từng chữ cái nối liền như một câu thần chú gieo rắc kinh hoàng đời cậu.

Nếu The Aviator đi theo một đường bay, thì căn bệnh của Hughes lại theo đường tên lửa. Nó ẩn hiện xuyên suốt bộ phim, từ những triệu chứng nhỏ cho đến lúc bùng phát dữ dội và không hề có dấu hiệu dừng lại. Ở thời điểm khủng khiếp nhất, nó biến Hughes trở về với cậu bé ngày xưa: trần như nhộng, tự nhốt mình trong phòng tối, lặp đi lặp lại những lời khó hiểu.

Cate Blanchett ẵm về tượng vàng Oscar cho vai diễn trong The Aviator.
Cate Blanchett ẵm về tượng vàng Oscar cho vai diễn trong The Aviator.

The Aviator có thể chưa phải là tác phẩm đặc sắc nhất của Martin Scorsese, nhưng chắc chắn sẽ là bộ phim để đời của Leonardo DiCaprio. Ai đã từng có dịp chiêm ngưỡng chân dung Howard Hughes lúc sinh thời, hẳn sẽ khó hình dung được chàng Jack của Titanic lại có thể hoá thân trở thành ông một cách xuất sắc đến vậy.

Không thực sự giống Hughes về ngoại hình, nhưng Leo đã truyền tải trọn vẹn cảm xúc của nhân vật. Ánh mắt anh dè dặt trước đám đông, tình tứ khi bên cạnh Kate, háo hức cầm tay lái, nghi ngại nhìn vào đôi bàn tay, sợ hãi trước bồn rửa mặt, cô đơn trong góc tối, rồi bỗng quyết liệt trước toà khi nói về kiệt tác đời mình. Từng lời thoại bật ra đều sục sôi một nhiệt huyết, một ý chí sắt đá. Đến phút cuối cùng của bộ phim, Leo nhìn vào gương nhưng lại thấy hình ảnh Hughes phản chiếu trong đó.

Song, đạt đến độ hoàn hảo phải là Cate Blanchett trong vai nàng thơ Katharine Hepburn. Đoá hồng nước Úc trở thành một Kate quý phái, kiềm diễm với nét đẹp cổ điển và chưa bao giờ mất đi vẻ kiêu kỳ, ngay cả khi nói lời từ giã trước mặt Hughes. Với The Aviator, Leo nhận được đề cử Oscar cho vai nam chính đầu tiên (anh từng được đề cử trước đó cho một vai phụ khi mới 19 tuổi), riêng Cate thì ẵm luôn cả tượng vàng.

Gần ba tiếng đồng hồ cho hơn hai mươi năm đời người, có lẽ vẫn còn quá ngắn, nhưng cũng đủ để người xem nhìn thấu con đường mà Howard Hughes đã từng qua. Ông có thể là một nhà triệu phú lừng danh, một đạo diễn cầu toàn, một tay chơi sát gái, hay đơn giản chỉ là một tên điên rồ mắc chứng bệnh thần kinh.

Song, trong giây phút đối mặt với tử thần, Hughes tự nhận mình là “phi công” – lời nói bật ra không cần suy nghĩ. Trong đời, Hughes đã từng nói rất nhiều câu đáng nhớ như vậy, và The Aviator khép lại bằng một trong số đó, “the way of future”. Nhưng chẳng cần đợi đến lúc ấy ta cũng biết được, Hughes đã không đi đường của một người bình thường. Ông chọn cho mình ngã rẽ khác: trở thành một vĩ nhân.

(*) Ý này lấy từ ca khúc nổi tiếng của Bob Dylan.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Nhạc Việt Catalogue 2014: Trung Quân đột phá với ‘Khởi hành’

Tiếp theo

‘Giải Mã’ âm nhạc của Vũ Cát Tường

Latest from Điện ảnh