/

‘Ilo Ilo’ – Tiếng gọi của yêu thương

Bắt đầu
9 phút đọc

Ilo Ilo, hai tiếng thân thương ấy được đạo diễn Trần Triết Nghệ (Anthony Chen) sử dụng làm nhan đề bộ phim đầu tay của mình. Chuyện phim đưa ta trở về với Singapore của thập niên cũ, thời điểm các nước Châu Á đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, khi mà lòng tin của con người vốn đã vụn vỡ, lại càng trở nên chông chênh như ngọn đèn trước gió.

Ngay từ lúc ra mắt tại LHP Cannes 2013, Ilo Ilo đã nhanh chóng chinh phục được hội đồng giám khảo với giải Camera d’Or (Máy quay phim vàng). Đây cũng là lần đầu tiên có một tác phẩm của Singapore dành được giải thưởng từ liên hoan phim này.

Kịch bản nhào nặn từ ký ức tuổi thơ

Lấy cảm hứng từ chính ký ức tuổi thơ của nam đạo diễn, Ilo Ilo xoay quanh những sự kiện diễn ra trong gia đình cậu bé Jiale suốt thời điểm khủng hoảng. Bằng lối dẫn chuyện thẳng thắn, trực diện, Trần Triết Nghệ không đi vào giới thiệu dông dài mà lập tức đưa người xem bước ngay vào nội dung phim.

Ở cảnh đầu tiên, Jiale xuất hiện trước ống kính như là một câu bé ngang bướng, ngỗ ngược, tự mình chà tay vào cửa sổ rồi tìm cách đổ tội cho thầy chủ nhiệm.

Đến cảnh quay thứ hai, người xem phần nào hiểu được căn nguyên của vấn đề. Mẹ Jiale là bà Leng, hiện đang mang bầu đứa con thứ hai, vì quá bận rộn với công việc nên không có đủ thời gian chăm sóc con cái. Trước sức ép từ phía gia đình và nguy cơ mất việc ngày càng tăng cao, Leng đành bàn với chồng tìm một cô giúp việc để giảm bớt gánh nặng.

Kịch bản phim "Ilo Ilo" được xây dựng từ nhiều ký ức tuổi thơ của đạo diễn.
Kịch bản phim “Ilo Ilo” được xây dựng từ nhiều ký ức tuổi thơ của đạo diễn.

Khi đó, nhân vật Terry từ một người xa lạ bỗng nhiên xen vào cuộc sống của Jiale. Với bản tính sẵn có, cậu bé tất nhiên chẳng dễ chấp nhận “kẻ lạ mặt” mới đến. Jiale không chịu ở cùng phòng với Terry, không cho cô chạm vào di ảnh của ông, không ăn chung, không ngủ chung và tệ hơn, còn tìm cách hãm hại cô trong siêu thị.

Ngược lại, Terry đối xử với Jaile như con trai, vừa quan tâm, chăm sóc lại vừa răn đe, dạy dỗ. Thực tế cô không phải người bản địa mà đến từ Phillipines, đất nước cách Singapore hơn hai nghìn cây số. Bản thân Terry cũng là một người mẹ, con trai chưa tròn một tuổi đã phải cắn răng nói lời tạm biệt, lặn lội sang tận nước bạn tìm kế mưu sinh.

Khủng hoảng kinh tế bao vây quốc đảo Singapore

Trong phim, cuộc khủng hoảng kinh tế tồn tại âm ỉ như một cơn bão vô hình. Đạo diễn Trần lại cố tình đẩy người xem vào tâm bão bằng những khung hình không cố định, loạng choạng rung lắc như thể báo hiệu một cơn địa chấn thực sự sắp sửa diễn ra.

Ở đó, Singapore hiện lên như một thành phố lặng lẽ đầy u buồn với những con người mệt mỏi, ủ rũ. Hàng ngày, mẹ Jaile phải soạn đơn xin nghỉ việc và chứng kiến từng đồng nghiệp của mình lần lượt ra đi. Ngay cả bố Jaile sau đó cũng không tránh khỏi tình huống tương tự nhưng không dám kể với vợ, mà  chấp nhận làm chân bảo vệ với đồng lương eo hẹp. Thậm chí, anh chàng sống ở tầng trên vì quá bế tắc, không còn cách nào khác nên đành phải tự kết liễu đời mình.

Niềm tin, dường như đã trở thành một vật xa xỉ vào thời điểm đó. “Ở nơi này chẳng có Chúa trời đâu” là lời khuyên đầu tiên mà cô hàng xóm dành cho Terry.

Khủng hoảng kinh tế tồn tại âm ỉ như một cơn bão vô hình ở Singapore.
Khủng hoảng kinh tế tồn tại âm ỉ như một cơn bão vô hình ở Singapore.

Không đâu xa, ngay cả  Leng cũng chưa một lần tin tưởng người giúp việc mới thuê. Bà cất giữ hộ chiếu phòng trường hợp cô bỏ trốn, không cho cô gọi điện về nước bằng máy trong nhà, liên tục nghi vấn về từng cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất của cô.

Cả ba thành viên trong gia đình Jiale đều “đánh mất” một phần gì đó trong cuộc đời, để rồi tìm cách bấu víu niềm tin vào những thứ vô định khác. Bố Jiale bị đuổi việc, mẹ Jaile lo sợ tình cảm con trai dành cho mình ngày một vơi đi, còn Jaile thì vừa từ giã người bạn thân thiết nhất là ông ngoại.

Phong cách làm phim đề cao tính trung thực

Phong cách làm phim của Trần Triết Nghệ là đặt tính trung thực lên trên hết. Anh chủ động thu hẹp khung hình ở tiêu cự sâu, sử dụng những cú máy quay cận mặt để dẫn dắt câu chuyện thông qua diễn xuất của diễn viên.

Bốn nhân vật trong phim được xử lý ở mức cân bằng, không người nào quá nổi trội hoặc quá mờ nhạt, nhưng đều có tính cách rõ nét. Bố Jaile hiền lành và có phần nhu nhược, trong khi mẹ Jaile hội đủ những đặc điểm của phụ nữ trung lưu xã hội cũ, vì mang bầu nên lại càng khó ở. Cô giúp việc Terry thì gần gũi, đời thường, còn cậu bé Jaile hiếu động, nghịch ngợm nhưng đáng thương mà không đáng trách.

Nhan đề Ilo Ilo bắt nguồn từ tên một tỉnh nghèo nằm trên đảo Panay của Philippines, cũng là quê hương của Terry. Được xây dựng từ chính người bảo mẫu năm xưa của đạo diễn, nhân vật này là đại diện cho hàng ngàn phụ nữ Phillipines đã và đang phải sống vất vưởng nơi xứ người để kiếm miếng cơm manh áo.

Terry đại diện cho hàng ngàn phụ nữ Phillipines đã và đang phải sống vất vưởng nơi xứ người để kiếm miếng cơm manh áo.
Terry đại diện cho hàng ngàn phụ nữ Phillipines đã và đang phải sống vất vưởng nơi xứ người để kiếm miếng cơm manh áo.

Lạ kỳ thay, một người phụ nữ không cùng huyết thống, không chung quốc tịch lại có thể thuần phục được “chú ngựa hoang” Jaile.

Trần Triết Nghệ không chủ định sử dụng âm nhạc trong suốt bộ phim. Duy chỉ đến những phút cuối cùng khi ca khúc Kahapon at Pag-Ibig của nhóm Lolita Carbon vang lên, cũng là lúc mọi ký ức về Terry đã in hằn sâu đậm trong tâm trí của Jaile tự lúc nào.

Mùi tóc của cô, giai điệu của cô, hình ảnh của cô, tất cả không biến mất mà chợt ùa về, là nguồn cảm hứng cho đạo diễn Trần thực hiện bộ phim tinh tế nhưng giàu cảm xúc này.

Ilo Ilo bắt đầu khi ông ngoại Jaile vừa mớt qua đời, nhưng kết thúc bằng cảnh Leng hạ sinh em bé, như một vòng luân hồi của cuộc đời. Hình ảnh ấy tượng trưng cho tất cả niềm tin và hy vọng của đất nước Singapore đều đổ dồn vào lớp thế hệ tiếp theo, những mầm non đâm chồi sau cơn bão.

So với các nhân vật còn lại, Terry là người phải hy sinh tất cả, từ gia đình cho đến quê hương. Song, cô chưa từng một lần gục ngã dù hoàn toàn trơ chọi giữa miền đất đầy những xa lạ này.

Bởi một lẽ giản dị như chính bộ phim, niềm tin nuôi dưỡng sự sống.

Đọc thêm: Phim Châu Á

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Eternal Sunshine of the Spotless Mind’ – Mê cung ký ức tình yêu

Tiếp theo

Sài Gòn buổi sáng với Voigtländer

Latest from Điện ảnh